Nguyễn Phúc Đức - Người Thu Nhỏ Sài Gòn Trong Lòng Bàn Tay

25/05/2020 Đăng bởi: Như Ý
Nguyễn Phúc Đức - Người Thu Nhỏ Sài Gòn Trong Lòng Bàn Tay

Nguyễn Phúc Đức - Người Thu Nhỏ Sài Gòn Trong Lòng Bàn Tay

Lớn lên tại Sài Gòn và có nhiều kỷ niệm với mảnh đất này, anh Nguyễn Phúc Đức đã tái hiện những hình ảnh trong ký ức của mình thành các mô hình tí hon. Từ tiệm tạp hóa, tiệm hớt tóc, sạp báo đến những gánh hàng rong quen thuộc trước cổng trường hay tiệm sửa xe vỉa hè, rạp hát… đều hiện lên chân thật qua bàn tay tài hoa của anh. Đó không chỉ là ký ức của riêng anh Nguyễn Phúc Đức mà bất kỳ ai gắn bó với thành phố phương Nam này. Anh vừa chia sẻ với Duyên Dáng Việt Nam quá trình “thu nhỏ” cả Sài Gòn thành các mô hình vừa lòng bàn tay cùng sứ mệnh làm cho người Việt Nam thêm yêu văn hóa Việt Nam…

1. Chào anh Nguyễn Phúc Đức, tại sao Thế Giới Tí Hon (TGTH) lại ra mắt các mô hình Sài Gòn xưa ngay trong thời điểm khó khăn, dịch Covid-19 bùng phát?

Mỗi khi thực hiện một sản phẩm nào đó, chúng tôi đều lên kế hoạch từ 3-4 tháng trước và bộ mô hình Sài Gòn xưa vô tình ra mắt đúng thời điểm dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may là nhiều học sinh, sinh viên ở nhà, có thời gian để lắp ráp, chơi cùng ba mẹ nên sản phẩm bán chạy hơn bình thường.

Góc cổng trường quen thuộc trong ký ức của 8x, 9x Sài Gòn

2. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp không sản xuất các mặt hàng thiết yếu. Với Thế Giới Tí Hon thì sao? Anh có phương án gì để vượt qua?

Khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi rất lo lắng vì cũng mới khởi nghiệp, tốn nhiều chi phí cho nhân viên, kho bãi… Tuy nhiên, cũng có cái may mắn là nhiều người ở nhà thì có nhu cầu mua các mô hình về chơi. Bố mua cho con, bạn bè tặng nhau hoặc nhóm bạn cùng chơi lắp ráp, vừa giết thời gian mà lại làm được đồ trang trí ý nghĩa, độc đáo nên doanh số tăng cao.

Sau khi hết cách ly xã hội thì công ty tôi mới bắt đầu bị ảnh hưởng, do các nhà cung cấp nguyên vật liệu ở Việt Nam đóng cửa, tôi không lấy được ván ép đẹp. Hiện, tôi đang phải đổi nhà cung cấp hoặc mua nguyên liệu với giá cao hơn để đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, tôi phải tính toán sao để không tăng giá thành sản phẩm. Phương châm kinh doanh của tôi là dù có biến động gì cũng không tăng giá bán, chấp nhận lợi nhuận thấp hơn, vì tăng giá sẽ khiến người chơi có trải nghiệm không tốt.

3. Anh từng trải qua rất nhiều việc như DJ, tiếp thị, giao hàng… thậm chí đã ở vị trí quản lý, vậy cơ duyên nào khiến anh rẽ ngang sang việc làm các mô hình tí hon?

Khi đã ở vị trí quản lý, tôi muốn phát triển vượt bậc hơn nữa nhưng lại không cùng quan điểm với sếp. Tôi luôn tự hỏi tại sao người ta lại không theo phương châm, kế hoạch của mình và tại sao mình phải đi làm cho người khác mà không xây dựng cái gì đó cho mình? Thế là tôi bắt đầu tìm sản phẩm để kinh doanh nhưng đều thất bại.

Sau đó, tôi tự hỏi ước mơ, đam mê của mình là gì thì thấy rằng tôi rất thích chơi mô hình. Tôi nhớ lại mô hình được ba làm tặng hồi năm lớp 6. Đó là một mô hình nhà miền Tây rất đơn giản bằng gỗ thông. Từ nhỏ, tôi đã có ý định kinh doanh rồi, cũng vô chào hàng, bán cho bạn bè nhưng rồi tập trung việc học nên không làm nữa. Suy nghĩ này giúp tôi như bắt được “phao cứu sinh”, thế là tôi bám lấy nó và phát triển đến bây giờ.

Mô hình tiệm sửa xe trên vỉa hè Sài Gòn

“Qua các mô hình về nhịp sống Sài Gòn, nhiều người thấy được tuổi thơ của mình trong đó” – Anh Nguyễn Phúc Đức, CEO Thế Giới Tí Hon

4. Không được đào tạo bài bản về kiến trúc hay mỹ thuật, anh đã gặp khó khăn như thế nào khi bắt đầu làm mô hình tí hon?

Tôi gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu với công việc này. Trước tiên là rào cản trong gia đình. Người thân, bạn bè luôn bàn ra, nghĩ tôi như một… thằng khùng. Do đó, tôi không nói nhiều mà phải quyết tâm làm, dùng thành công để trả lời họ.

Bước vào lĩnh vực không phải chuyên ngành của mình, tôi không phải thợ mộc, máy móc tôi cũng không rành. Do đó, tôi phải cố gắng hơn người khác gấp 10 lần. Tôi đọc thêm các hướng dẫn, làm mô hình theo sở thích của mình bằng bìa carton và dao rọc giấy. Những mẫu đầu tiên cũng không đẹp lắm đâu nhưng tôi dần hoàn thiện và khi đưa lên mạng, được nhiều người khen, hỏi mua.

Những mẫu mô hình này có thể lắp ráp riêng lẻ hoặc kết hợp thành chuỗi các xe hàng rong trước cổng trường, trên đường phố Sài Gòn

Tuy nhiên, để làm một mẫu sản phẩm thủ công như vậy tốn rất nhiều thời gian và công sức, thu nhập không đủ nuôi sống mình. Hơn nữa, làm sản phẩm bằng bìa carton mềm, mỏng, không để lâu được, dễ bị vàng ố và không sơn được. Chưa kể mô hình bằng giấy cũng có nhiều nơi làm rồi nên tôi mới chuyển sang làm bằng gỗ, vừa giữ lâu hơn, thao tác lắp ráp dễ hơn, lại dễ sơn màu, nhìn đẹp, sang hơn…

Vậy là, tôi mua gỗ và máy cưa về để làm nhưng ồn ào, bụi bặm, bị hàng xóm phàn nàn… Khó khăn là vậy nhưng tôi vẫn cố tìm cách để khắc phục dần. Tôi cũng học nhiều thông tin trên mạng để có quy trình sản xuất chuyên nghiệp và cách kinh doanh thông minh hơn, đưa sản phẩm ra thị trường…

5. Anh có thể chia sẻ thêm về mô hình đầu tay của mình?

Lúc đó, những bạn trẻ đang có xu hướng thích các vật dụng liên quan đến văn hóa Nhật Bản, nên tôi làm những mô hình này. Tôi cứ nghĩ mình làm sản phẩm nhà hàng sushi hay cửa hàng bánh Dango thì sẽ được nhiều người hưởng ứng. 

Tôi tập trung rất nhiều tâm huyết và cá nhân tôi cho rằng đó là bộ mô hình rất đẹp. Tuy nhiên, thực tế là khách hàng chỉ thích chứ không mua vì họ không có cảm xúc. Đó là thất bại đầu tiên. Tôi khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, phải bán xe, vay tiền để đầu tư nên khi thất bại như vậy, tôi rất buồn.

Hai mô hình nhà hàng Nhật Bản là sản phẩm đầu tiên của anh Phúc Đức khi bắt đầu khởi nghiệp

6. Từ khi nào anh bắt đầu chuyển hướng sang thực hiện các mô hình về nhịp sống Sài Gòn, có lý do gì đặc biệt không?

Cũng rất vô tình, sau thất bại đầu tiên, tôi hoài niệm ngày xưa và nghĩ mình lớn lên ở Sài Gòn, sao không thử làm những mô hình về Sài Gòn. Và tôi bắt tay vào làm mô hình tiệm tạp hóa. Thật ra lúc đó buồn nên tôi chỉ làm chơi thôi, không nghĩ là bán được vì mình ở Sài Gòn, cảnh này quen quá rồi, mua về làm gì nữa, phải kiếm văn hóa lạ lạ bán cho người Sài Gòn chứ. Không ngờ làm những mô hình về Sài Gòn lại thành công đến vậy. Có lẽ là vì qua các mô hình đó, nhiều người thấy được tuổi thơ của mình trong đó.

Sau khi đưa lên facebook cá nhân, mô hình tiệm tạp hóa được nhiều người hưởng ứng, nhất là người Sài Gòn. Sản phẩm này sau đó được một cặp vợ chồng du khách người Úc mua. Từ đó, tôi có động lực, tiếp tục làm một chuỗi các mô hình chủ đề về Sài Gòn, như quầy sách báo, tiệm hớt tóc, xe hủ tiếu gõ, tiệm băng đĩa… tạo thành một đường phố, một khu phố Sài Gòn trong ký ức của tôi. 

Mô hình tiệm tạp hóa hiện đã được "nâng cấp" đến phiên bản thứ 3
Anh Nguyễn Phúc Đức và mô hình nhà miền Tây với tên gọi "Khói lam chiều" vừa ra mắt

7. Anh làm thế nào để tái hiện chân thật các mô hình Sài Gòn xưa? Anh tâm đắc với những mẫu mô hình nào nhất?

Chủ đề các mô hình đều lấy cảm hứng từ ký ức của chính tôi nhưng tôi có điều chỉnh thêm để phù hợp với nhiều người. Khá nhiều khách hàng cũng hỏi trên fanpage tại sao các mô hình không làm đúng như các họa tiết, chi tiết ngày xưa nhưng tôi nhận thấy nếu bám quá sát vào thực tế thì sẽ khó thương mại được. 

Tôi không tái hiện Sài Gòn quá xưa, mà chỉ lấy mốc từ năm 1989, với trải nghiệm của chính bản thân, tìm hiểu thêm các tư liệu, kết hợp với hiện nay, pha trộn lại tạo thành màu sắc tổng thể sao cho đẹp nhất, hài hòa nhất. 

Các mô hình không nhất thiết phải giống chính xác hình ảnh thực tế nhưng vẫn giữ được cái hồn của Sài Gòn giai đoạn đó, gợi lại ký ức của nhiều người. Tôi thích nhất là mẫu tạp hóa và sạp báo Sài Gòn vì gắn liền với tuổi thơ của tôi. Hồi đó, cứ chiều là ba mẹ hay kêu tôi ra tiệm tạp hóa đầu hẻm mua gạo hay trứng về chiên, ăn cơm. Còn sạp báo là ngày xưa ông nội hay ra mua báo đọc trong lúc chờ tôi cắt tóc ở tiệm kế bên. Tôi cũng thích mô hình nhà miền Tây mới ra mắt nữa.

“Sứ mệnh của Thế Giới Tí Hon là giúp người Sài Gòn thêm yêu văn hóa Sài Gòn và xa hơn là người Việt Nam yêu hơn văn hóa Việt Nam”

8. Anh có thể cho biết quy trình thực hiện một mô hình tí hon?

Đầu tiên, phải có ý tưởng chủ đề, ví dụ như mô hình tiệm tạp hóa này. Sau đó, tìm hình ảnh ngôi nhà hợp lý, rồi phải tìm hiểu về văn hóa và thời điểm lúc đó để phác thảo những chi tiết phù hợp, quan trọng nhất là sản phẩm có tạo cảm xúc, câu chuyện gì cho khách hàng hay không… 

Khi đã có tất cả rồi, nhóm thiết kế sẽ dựa trên những ý tưởng, hình ảnh đó để tạo mẫu demo cắt bằng thủ công, dựng bố cục nhà rồi lên phần mềm cho những chi tiết nhỏ, bố trí bàn ghế… vào trong. 

Anh Phúc Đức chia sẻ quy trình thực hiện mô hình tí hon

Sau khi chốt mẫu rồi mới tìm nguyên liệu, vật tư và đưa xuống xưởng sản xuất, chụp hình làm sách hướng dẫn. Từng chơi nhiều sản phẩm mô hình các nước, tôi thấy rất khó ráp, hướng dẫn đơn giản, sơ sài, có thể người nước ngoài thích như vậy. Nhưng với người Việt Nam thì cần tỉ mỉ hơn nên khi làm hướng dẫn lắp ráp, tôi phải làm sao cho khách hàng dễ hiểu nhất và có thể ráp được.

Đặc biệt, khâu gia công phải chính xác tỉ lệ đến từng milimét vì nếu sai, khi ráp vào, mô hình sẽ có độ hở. Tất nhiên, vẫn có sai số nhất định nhưng tôi đã có kinh nghiệm để có thể chỉnh được sai số ở mức hợp lý nhất.

Cả đường phố Sài Gòn được anh Nguyễn Phúc Đức "thu nhỏ" thành các mô hình vừa lòng bàn tay

9. Những ngày đầu khởi nghiệp có vẻ không suôn sẻ, điều gì khiến anh quyết tâm theo đuổi công việc này?

Khi mới khởi nghiệp, tôi vừa trực tiếp mua nguyên vật liệu, thực hiện sản phẩm, vừa tạo website bán hàng, chốt đơn đến cả giao hàng… Đến năm 2017, khi việc kinh doanh mở rộng hơn, tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc thành lập công ty nên Thế Giới Tí Hon ra đời. Nhưng cũng nhờ giai đoạn khó khăn đó, tôi biết được quy trình của từng công đoạn để chuyển giao cho các nhân viên.

Khởi nghiệp khó khăn là vậy nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi, vì có nhiều người bạn từng nói tôi khùng, nếu tôi bỏ luôn thì chấp nhận mình khùng thật sao (cười). Hơn nữa, tôi cũng đam mê, thích rồi thì chăm chú vào làm không biết mệt, cứ muốn suy nghĩ để tạo ra mẫu mới liên tục. Khi cầm trong tay một sản phẩm, cảm giác rất tuyệt vời, như chiến thắng được một điều gì đó, chỉ những ai từng trải nghiệm mới hiểu.

“Tôi muốn các mô hình Thế Giới Tí Hon sẽ trở thành món quà lưu niệm nhỏ gọn, đặc trưng mà mỗi du khách đến Việt Nam đều muốn đem về tặng người thân, bạn bè” – Anh Nguyễn Phúc Đức, CEO Thế Giới Tí Hon

10. Tháng 7/2019, Thế Giới Tí Hon từng gây tiếng vang với triển lãm “Sài Gòn trên những ngón tay”. Triển lãm này có ý nghĩa như thế nào với anh và công ty?

Triển lãm này cũng là một may mắn với tôi. Trước đó, có nhiều đơn vị muốn mời tôi thực hiện triển lãm nhưng tôi thấy mình chưa đủ tiềm lực. Đến năm 2019, khi Cà phê Đen Đá ngỏ ý cho tôi một không gian để làm triển lãm thì tôi mới suy nghĩ. Lúc đó, tôi muốn làm điều gì đó để lại dấu ấn cho những đứa con nhỏ của mình nên tôi đồng ý phối hợp làm triển lãm “Sài Gòn 1-0-2 – Sài Gòn trên những ngón tay”, tức là Sài Gòn chỉ có 1 không có 2, ai đi đâu cũng nhớ. Không ngờ triển lãm rất thành công, giúp Thế Giới Tí Hon được nhiều người biết đến hơn.

Triển lãm cũng khẳng định thương hiệu Thế Giới Tí Hon có 1-0-2 của tôi. Đồng thời chia sẻ sứ mệnh người Sài Gòn thêm yêu văn hóa Sài Gòn và xa hơn là người Việt Nam yêu hơn văn hóa Việt Nam.

Những mô hình gợi nhớ nét văn hóa Sài Gòn xưa được chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ

11. Sau hơn 5 năm khởi nghiệp, anh đã thực hiện được ước mơ chưa? Anh có thể chia sẻ thêm về dự án, kế hoạch của TGTH trong năm 2020?

Đến bây giờ, tôi vẫn chưa thỏa mãn về những gì mình đã làm được. Tôi thấy mình đi hơi chậm, gần 3 năm vẫn chưa hết chủ đề Sài Gòn. Sắp tới, tôi muốn hướng đến khách du lịch nước ngoài hoặc Việt kiều. Mỗi khi bạn bè, người thân đi du lịch nước ngoài đều mua những vật đặc trưng của nước đó về làm kỷ niệm hoặc quà tặng. Tôi muốn các mô hình Thế Giới Tí Hon cũng sẽ trở thành món quà lưu niệm nhỏ gọn, đặc trưng mà mỗi du khách đến Việt Nam đều muốn đem về tặng người thân, bạn bè.

Tuy nhiên, trước tiên, tôi vẫn phải chinh phục khách hàng trong nước. Sắp tới, TGTH sẽ ra mắt các mẫu mô hình miền Tây, Hội An và sẽ tìm thêm đối tác phân phối sản phẩm ra nước ngoài. Tôi cũng không ngừng hoàn thiện bao bì, đóng gói sản phẩm sau mỗi mô hình ra mắt. Mục tiêu của tôi là mô hình phải có giá thành thấp, để cạnh tranh được với sản phẩm Trung Quốc, Thái Lan còn chất lượng phải cao, ngang ngửa các sản phẩm Nhật Bản.

Mô hình "Khói lam chiều" vừa được Thế Giới Tí Hon ra mắt
Bên cạnh đó, TGTH cũng có nhiều mô hình về đời sống hiện đại

Anh Nguyễn Phúc Đức sinh năm 1989, sáng lập công ty Thế Giới Tí Hon vào năm 2017, tiên phong sản xuất đồ chơi mô hình bằng gỗ tự lắp DIY. Loại hình này đã có ở nước ngoài nhưng chưa phát triển như bây giờ. Trong khi đó, ở Việt Nam chỉ có một vài cửa hàng nhập về bán.

Tính đến nay, anh Nguyễn Phúc Đức đã thực hiện gần 100 mẫu mô hình. Hiện, Thế Giới Tí Hon đang bán khoảng 40 mẫu với 500 sản phẩm/mô hình, cả nhịp sống Sài Gòn xưa và hiện đại. Mỗi mô hình đều có đèn led, đa dạng về mẫu mã, thiết kế và cả cách lắp ráp. Đặc biệt, người chơi có thể kết hợp linh hoạt các mô hình nhỏ để tạo thành một chuỗi mô hình đường phố Sài Gòn theo ý thích của mình. 

Anh Nguyễn Phúc Đức chia sẻ, chơi mô hình đòi hỏi sự kiên nhẫn của người chơi, khi đã làm được mẫu đầu tiên rồi, họ sẽ muốn chinh phục tiếp những mẫu khó hơn. Chính vì vậy mà các sản phẩm của TGTH cũng liên tục được “nâng cấp”.

Tùy theo độ phức tạp của từng mô hình mà người chơi phải mất từ vài tiếng đồng hồ đến vài ngày để ráp hoàn chỉnh. Các sản phẩm hiện đã có mặt tại các nhà sách Fahasa, Cá Chép, Phương Nam với giá từ 80-500 ngàn đồng.

Sau hơn 5 năm, những mô hình đầu tiên anh Phúc Đức làm vẫn còn nguyên vẹn. Ngay cả đèn led cũng không bị hư hỏng. Anh bảo quản mô hình trong hộp mica để tránh bụi, ẩm mốc và đặc biệt là tránh nước để giữ sản phẩm lâu hơn. 

Mang sứ mệnh làm cho người Việt Nam thêm yêu văn hoá Việt, TGTH định vị đến năm 2025 sẽ “thu nhỏ” những văn hoá đặc trưng của từng vùng miền trên quê hương Việt Nam, “đóng gói” lại và cho “ra khơi”.

Nguồn: Duyên Dáng Việt Nam - Lê Hạnh

Bạn cần hỗ trợ ? Hãy gọi ngay cho chúng tôi 0896433616
hoặc

  Hỗ trợ trực tuyến

65 Hệ thống phân phối

VINCOM Lê Thánh Tôn Q1

Ns: Phương Nam Tầng B2 - Vincom Center, 72 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM 10:30 AM - 21:00 PM ( Từ Thứ 2 - CN )

Vạn Hạnh Mall Q10

Ns: Phương Nam - Tầng 3 - Vạn Hạnh Mall, 11 Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10, TP. HCM 10:30 AM - 21:00 PM ( Từ Thứ 2 - CN )

Nhà Sách FAHASA Nguyễn Huệ

Ns: Nguyễn Huệ FAHASA 40 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM 10:30 AM - 21:00 PM ( Từ Thứ 2 - CN )

Crescent Mall Q7

Ns: Phương Nam Tầng 4 - Crescent Mall, 101 Tôn Dật Tiên, P. Tân Phú, Q.7, TP. HCM 10:30 AM - 21:00 PM ( Từ Thứ 2 - CN )

Nhà Sách Cần Thơ

06 Hòa Bình, P. An Cư, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ 10:30 AM - 21:00 PM ( Từ Thứ 2 - CN )

HÀ NỘI - VINCOM NGUYỄN CHÍ THANH

Ns: Phương Nam - Tầng 4 - Vincom Center, 54A Nguyễn Chí Thanh, P. Láng Thượng, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội 10:30 AM - 21:00 PM ( Từ Thứ 2 - CN )

Aeon Mall Bình Tân - Tân Phú

Nhà sách FAHASA 10:30 AM - 21:00 PM ( Từ Thứ 2 - CN )
popup

Số lượng:

Tổng tiền: